Đền Ông Hoàng Mười là một ngôi đền cổ kính và vô cùng linh thiêng tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền là khu di tích quý hiếm của tỉnh Nghệ An, có diện tích rộng lớn đến 10.615m2. Đền được xây dựng dưới Triều vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long, năm 1634. Là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Đền nằm ở một vị trí có cảnh quan đẹp, vừa trung tâm, vừa gắn với vùng du lịch Lâm viên Núi Quyết nên thu hút đông đảo du khách tìm về thắp hương và vãn cảnh đền.
Nhiều tài liệu viết về truyền thuyết Ông Hoàng Mười cho rằng Đức Thánh Hoàng Mười là con trai thứ mười của vua cha Thần Long Bát Hải Đại Vương và Đệ Nhất Thánh Mẫu Tiên Thiên Công chúa ở hồ Động Đình. Bát Hải Đại Vương vốn là Thiên Quan Đào Nguyên. Vậy Hoàng mười là Hoàng tử thứ mười của Thiên Quan Đại Vương Bát Hải, chứ không phải ngài có họ Hoàng. Tương truyền rằng, ông là một vị tướng có công trong cuộc kháng chiến khởi nghĩa Lam Sơn, ông hy sinh trong trận Âm Công đánh vào thành Lục Niên, Âm Công là một trận voi giã chiến, thuyền giả, ngài kéo quân đánh tập hậu làm quân Minh kinh hồn bạt vía. Ngài bị thương nặng chỉ kịp phi ngựa về đến quê nhà thì mất.
Triều Đình lấy làm thương tiếc nên lấy đất Âm Công – Quê hương ngài để tưởng nhớ công ơn. Nhà vua ban tặng cho ngài bốn câu thơ và đã ban tặng Ông Hoàng Mười 18 săc phong đều đang được lưu giữ trong đền.
Đế thích Long chương khai thái vận
Thiên sinh thân vũ dực hồng đồ
Sinh bất thư sinh, sinh nghĩa đảm
Tứ thủy vô tư, tứ trung can
(Tạm dịch: Vua tặng sắc phong mừng vận đẹp, Trời sinh tướng giỏi giúp non sông, sống chẳng sống thừa lòng nghĩa dũng, chết mà không chết dạ can trường)
Ông Hoàng Mười còn được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh “Đức Thánh Minh” là mệnh quan nằm trong đền thờ Tứ Phủ. Qua kháng chống pháp, chống Mĩ các tế khí: thần chủ, ngai, sắc, tượng thờ, chuông khánh….và đại bộ phận cột, kèo, xà, hạ của các tòa Đền được chuyển vào cất giữ trong làng Xuân Am. Năm 1995 Đền được dựng lại trên nền đất Mỏ Hạc xưa. Ngày 12/11/2002 Đền Đức Thánh Hoàng Mười được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nghệ An cấp “bằng di tích lịch sử – văn hóa” của tỉnh.
Hiện nay, toàn bộ khu di tích Mỏ Hạc Linh Từ gồm hai phần là Đền và Mộ.
Từ cầu sông Hạc rẽ theo hướng Đông, con đường rộng dẫn ta đến trước một dải Tam quan khá nguy nga soi bóng xuống dòng sông Cồn Mộc, luôn tĩnh lặng. Bước vào đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng chiếc chuông bằng đồng lớn do Tập Phúc cung tiến khắc bốn chữ đại tự “Mỏ Hạc Linh Từ” và hàng chữ “Tập Phúc tiến cung kim chung”. chính môn, với đôi cột quyết cao, trên mỗi đỉnh có hình con nghê ngước lên trời thẳm. Hai mắt ngoảnh ra đường khắc hai câu đối “Lê triều hiển hách Trung lương tướng; Nam Quốc xưng danh Thượng đẳng thần”. Tả, Hữu cũng là những chiếc cổng thấp hơn nhưng vẫn đường bệ với hàng hiên uy nghi ôm giữ lấy bức tạc môn có voi chầu, hổ phục với hai hàng chữ “Linh khí tại thiên, danh tại sử; Huân công ư quốc, đức ư dân”. Từ đó đi vào ta gặp Tả vu, Hữu vu; Lầu cô, Lầu cậu. Rồi ta bước dần lên Hạ điện, Trung điện và Thượng điện. Khu vực nào cũng được chạm trổ mỹ thuật, sơn son, thếp vàng, hương khói uy nghi. Đôi câu đối ở hàng hiên của Hạ điện “Sơn cao hai khoát sinh thành đức; Nghĩa cửu, thiên trường hiếu kính tâm”. Đôi câu đối phía trong của tòa thờ này “Đế tích văn chương khai thái vận; Thiên sinh thần vũ dực hồng đồ”. Đi vào phía trong Hạ điện ta lại gặp ba bức đại tự. Bức phải “Trần Triều hiển Thánh”, bức trái “Thượng Tuấn Tối Linh”, bức giữa “Anh Hàng Tú Khí”. Tại Trung điện ta gặp bức, bức phải “Đức Lưu Quang”, bức trái”Sự Như Ý”. Tại Thượng điện ta gặp hai bức,bức phải “Từ Tâm Quảng Tế”, bức trái “Mẫu Đức Anh Linh”.
Tại khu di tích đền Mỏ Hạc ở Xuân Am chỉ có mỗi một ngôi mộ duy nhất. Đó là “ Lăng Đức Hoàng Mười”. Mộ ở sát cạnh đền, về phía Đông, cách một lối đi phong quan với nhiều cây cảnh và cùng hướng ra con sông Mộc, trông rất bình yên và linh thiêng. Từ ngoài nhìn vào hiện lên trước mắt ta bức hoành phi tôn cao hàng chữ “Lăng Đức Hoàng mười”. Bước vào giữa hai cột quyết uy nghi khắc đôi câu đối đã gặp ở phía trong Hạ điện. Khu Mộ là Thượng điện Hạ Lăng, ghép bằng đá hoa cương, trông đồ sộ và tôn nghiêm. Đền và mộ kết hợp tổng thể hài hòa.Nơi đây là một nơi phong thủy hữu tình cho du khách tín ngưỡng đến viếng thăm, cúng lễ. Theo tín ngưỡng dân gian, là niềm tin vào thần linh thông qua lễ nghi gắn liền với tập tục, thói quen truyền thống trong nhân dân người Việt Nam ta. Đó là một bộ phận cả văn hóa dân gian phản ánh ước nguyện của con người trong cuộc sống.
Về lễ hội: Giỗ Đức Thánh Hoàng Mười. Lễ khai quang (ngày 8/10), lễ rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền (ngày 9/10), lễ tạ, yết cáo (tối ngày 10/10). Rước sắc từ đền về lại nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am (11/10). Đến phần hội, sau phần lễ hội, khai hội là các hoạt động hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người, cờ thẻ, thi kéo co, cắm trại, đánh bóng chuyền ở sân đền và đua thuyền trên sông Cồn mộc. Các hoạt động đó kéo dài cả ngày. Tối ngày 10/10 tổ chức biểu diễn văn nghệ Mỏ Hạc Linh Từ.
Chính vì sự linh thiêng của ngôi đền, không chỉ trong những ngày lễ hội, mà quanh năm, nhất là vào mùa xuân, du khách thập phương từ mọi miền đất nước không quản đường sá xa xôi lại tụ hội về xứ Nghệ, đến với đền Ông Hoàng Mười tế lễ để nguyện cầu những điều an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho bản thân và gia đình. Ngày nay đông đảo nhân du khách thập phương đến dâng hương sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tại đền, cầu xin Đức Thánh Hoàng Mười phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, muôn nhà được no ấm, hạnh phúc, sức khỏe bình an, tài lộc tăng tiến, học hành đỗ đạt, thành tài. Du khách sẻ thấy khoan khoái thoải mái nhẹ nhàng trong tâm trí khi ra về.
( Nguồn: huongkhe.hatinh.gov.vn)